Thiền ca là những bài hát có công năng nuôi dưỡng chánh niệm và làm lớn lên hạnh phúc cho người thực tập. Những bài hát nào khi hát lên ta cảm thấy thân tâm khỏe nhẹ, an lành và giúp ta trở về tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm thì đều được gọi là thiền ca. Thiền ca là một sự cống hiến của Tăng thân Làng Mai cho quá trình hiện đại hóa đạo Bụt. Lời của thiền ca được lấy ra từ những kinh văn và các bài xướng tán hoặc là những thiền ngữ hay những lời thơ, ý tứ của các hành giả, ghi lại những kinh nghiệm và niềm an vui trong khi thực tập. Còn nhạc thì được diễn đạt bằng những giai điệu thanh thoát, vui tươi và giải thoát chứ không phải là thứ âm nhạc chứa nhiều chất ủy mị và hệ lụy mà người đời ưa sử dụng.
“Thơ và nhạc của Làng Mai không vương vấn những nét sầu khổ và đau thương hoặc chán chường. Trái lại, thơ nhạc ở đây lành mạnh cao vút và đầy chất liệu tâm linh”. Đó là lời nhận xét của nhạc sĩ Anh Việt khi được tiếp xúc với thiền ca Làng Mai. Và khi cảm nhận được điều đó, nhạc sĩ đã chuyển hóa rất nhiều. Chúng ta hãy nghe nhạc sĩ nói thêm: “suốt đời tôi, tôi đã sáng tác nhạc tình yêu và tranh đấu. Tiếp xúc được với gốc rễ tâm linh, từ mấy năm nay tôi đã bắt đầu sáng tác nhạc thiền. Thứ nhạc này đem lại cho tôi nhiều bình an, thảnh thơi và vững chải…”
Nếu thiếu sự tìm hiểu thấu đáo thì thấy việc dùng âm nhạc để diễn đạt lời kinh, ý kệ và giúp người thực tập duy trì, phát triển chánh niệm là một điều mới mẻ, và có thể trở thành một điều khó chấp nhận đối với một số người. Nhưng nếu nhìn rõ hơn thì tăng thân Làng Mai chỉ làm công việc tiếp nối chư vị tiền bối và góp phần mình để cho sự thực tập này hợp với thời đại hơn thôi. Từ đầu thế kỉ thứ 3, tại Giao Châu, thiền sư Tăng Hội đã đem âm nhạc để phổ vào lời kinh và sáng tác ra một tác phẩm kinh nhạc lấy tên là Nê Hoàn Phạm Bối. Đó là tập nhạc kinh có mặt sớm nhất ở nước ta và cả ở châu Á. Và trong suốt tiến trình phát triển của Phật Giáo nước nhà, chư vị tổ sư đã khéo léo vận dụng âm nhạc của địa phương và thời đại mình để phổ vào lời kinh, tiếng kệ. Phổ biến nhất hiện nay ta phải nhắc đến các điệu tán rơi, tán xấp, tán trạo của các tự viện ở Huế. Những điệu tán này có nhiều nét tương đồng với âm nhạc cung đình Huế. Ở miền Bắc cũng có những phương thức tán tụng dựa theo các làn điệu xẩm, chầu văn và dân ca Bắc bộ. Miền Nam cũng vậy, cũng có hơi hướng của dân ca Nam bộ, cải lương, trong các giai điệu, nghi thức tán tụng. Điều này chứng tỏ tính nhu nhuyến và mong ước đem đạo Bụt đi vào cuộc đời của liệt vị tổ sư. Chính vì sự khéo léo và tuệ giác của chư tổ nên kinh, kệ, giáo pháp không còn bó hẹp trong phạm vi thiền môn mà đã đi vào dân chúng bằng con đường ÂM NHẠC.
Còn với thực trạng của thế kỉ 21 này, khi nền âm nhạc hiện đại phát triển rất mạnh mẽ và có xu hướng toàn cầu hóa, người trẻ được tiếp xúc nhiều với nền âm nhạc này mà ít có cơ hội tiếp xúc với dân ca, với dòng nhạc dân tộc cổ truyền. Cùng nhiều lí do khác, người trẻ không còn nhiều cảm tình với những phương cách tụng kinh của truyền thống. Nhìn rộng hơn, ta thấy người trẻ thời nay cũng có những biểu hiện cho thấy sự mất cảm tình với đạo Bụt trên nhiều phương diện. Với con mắt quán căn cơ, chúng ta phải tìm cho được những giải pháp để đạo Bụt vừa giữ được cốt lõi của sự thực tập nguyên thủy và giúp cho người trẻ có cơ duyên tiếp xúc với gốc rễ của nền văn hóa đạo học dân tộc mà vừa có những biểu hiện tươi tắn, khỏe mạnh hơn. Đừng để tương lai chùa chiền chỉ còn là nơi lui tới của các ông già, bà lão mong tìm được một nơi nương tựa cuối đời như câu thành ngữ của dân gian “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Và thiền ca là một cống hiến bên cạnh hàng loạt các cống hiến tươi mới và đặc thù khác như các pháp môn: thiền ôm, thiền trà, làm mới, soi sáng, ái ngữ lắng nghe… Các pháp môn này không những không làm mất đi tinh thần thiền tập nguyên thủy và căn bản của đạo Bụt mà còn làm cho sự thực tập trở nên vui tươi, mới mẻ và dễ dàng giải quyết những khổ đau thực tế của người trẻ hơn.
Về vấn đề thực tập, khi hát một bài thiền ca ta không thể hát như một bài hát tiêu khiển ngoài đời, ta phải hát bằng tất cả sự thực tập của mình. Thiền ca phải được nhận thức nghiêm túc như các thực tập thiền ngồi, thiền hành, ăn cơm im lặng. Dù đứng hay ngồi ta cũng cần giữ thái độ nghiêm túc và uy nghi khi hát một bài thiền ca hay tụng một bài nhạc kinh. Và một điều rất quan trọng phải ghi nhớ là ta phải thực tập ngay trong lúc hát. Ví dụ ta hát câu “ta hạnh phúc liền giây phút này, lòng đã quyết dứt hết âu lo” thì lúc đó khuôn mặt ta phải tươi vui, âm điệu ta phải hân hoan, và nhất là tâm ta phải thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để buông bỏ những ưu sầu lo lắng, để tiếp xúc được với hạnh phúc chân thật do chánh niệm đem tới. Hoặc khi tụng câu “con xin đem ba nghiệp thanh tịnh kính lạy tất cả hằng sa Bụt” ta phải chắp tay thành kính và mở lòng ra để lời kinh đi vào đánh thức những hạt giống tuệ giác trong tâm ta.
Các bài thiền ca có thể được hát lên trước các buổi sinh hoạt chánh niệm như thiền hành, pháp thoại, pháp đàm… Thiền ca còn được sử dụng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như văn nghệ, lửa trại. Với thiền ca văn nghệ không còn mang tính tiêu khiển trần tục mà trở thành thứ văn nghệ có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Khi đó văn nghệ là văn lang (văn: trong sáng lành mạnh, lang: chữa lành).
Thiền ca được các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ thuộc các tu viện và đạo tràng tăng thân Làng Mai thực tập rất thường xuyên. Và nó cũng đang giúp cho biết bao nhiêu người tìm lại được hạnh phúc và an lành trong mỗi câu hát, câu thơ chánh niệm.
Hy vọng với sự thực tập hết lòng chúng ta sẽ làm được như lời cầu nguyện của Thầy chúng ta “Để pháp âm tiếp nối bằng lời ca tiếng hát em thơ” .