Bích Nham hữu tuyền, trạc chi tắc dũ
Đây là bài viết của Sư cô Hoa Nghiêm trên báo Lá Thơ Làng Mai xuất bản tháng 2 năm 2019.
Mấy hôm nay trời mưa nhiều, năm ngoái tháng này tuyết đã rơi phủ núi rừng. Thời tiết ấm áp đáng lẽ tôi phải mừng chứ, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi đang lo cho đất Mẹ, cho thế giới của chúng ta đang sống. Hiện nay bầu khí quyển đang bị nóng lên từng ngày. Những tảng băng ở vùng Nam và Bắc cực dần tan chảy làm mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến dòng nước ngọt, chắc chắn trong tương lai con người sẽ thiếu nước thôi. Sự lo lắng của tôi dần tan biến khi tôi thiền hành vào khu rừng của Bích Nham. Nơi đây có con suối chảy từ đỉnh núi cao dọc theo con đường thiền hành và trải dài ra tận con lộ Pleasant Valley. Mỗi ngày chúng tôi đều thiền hành vào rừng và đi dọc theo con suối ấy. Chúng tôi thường dừng chân để lắng nghe tiếng suối róc rách chảy qua từng khe đá. Nước suối trong suốt, tôi chỉ muốn bơi lội cho thỏa thích. Nhưng lòng suối cạn và nước thì lạnh như đá, bỏ một ngón tay xuống thôi là đã lạnh cóng rồi. Ngắm nhìn dòng suối, tôi cảm thấy biết ơn Thầy biết bao. Chúng tôi được hưởng phúc từ Thầy nên mới được sống ở một tu viện có khu rừng rất yên tĩnh để tu tập và có nước trong để dùng trong đời sống hàng ngày. Mai này dù trái đất có khan hiếm nước thì hy vọng nơi này vẫn còn một nguồn nước vô tận.
Thầy có viết hai câu đối treo trong thiền đường Đại Đồng: “Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện. Non Nham tú lệ, mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”. Ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện. Nghĩ đến những con sông trên thế giới hiện nay đã khô cạn và những dòng sông khác sẽ khô cạn, tôi sợ rằng sau này con người sẽ không có đủ nước mà dùng thì lấy đâu mà trăng hiện đáy sông? Vậy mà vẫn có người rất thoải mái mở vòi nước để chảy một cách phung phí mà không thấy tiếc. Họ không nghĩ đến những nơi không có một chút nước ngọt để dùng. Hơn nữa để thỏa mãn nhu yếu ăn uống, chúng ta phá rừng xây nông trại nuôi súc vật. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn nước và hành tinh xanh. Một cách để cứu hành tinh mà chúng ta đang sống là ý thức hơn về sự tiêu thụ của chúng ta trong đời sống hàng ngày.
Cô Dandan người Hồng Kông, hàng năm đều xin về ở Bích Nham một thời gian dài. Cô nói rằng mỗi khi đi vào rừng ngồi bên con suối, cô thấy mình như được trị liệu, không cần phải đi thăm bác sĩ tâm lý trị liệu làm gì. Điều này làm tôi nhớ đến hai câu đối được treo hai bên cầu bắc ngang qua con suối ở Sơn Hạ, Làng Mai nước Pháp: “Sơn Hạ hữu tuyền, trạc chi tắc dũ”. Nghĩa là dưới chân núi có con suối, nước suối có thể dùng để chữa lành các vết thương. Con suối trong khu rừng Bích Nham cũng có khả năng trị liệu cho rất nhiều người. Tôi nghĩ mình có thể đổi thành “Bích Nham hữu tuyền, trạc chi tắc dũ”. Được lắm chứ!
Năm rồi, trước khi sư em Q.N đổi sang tu viện Mộc Lan, chúng tôi hẹn nhau cùng ra suối chơi và uống trà. Chúng tôi đem bếp ga và nồi nhỏ để có thể nấu nước pha trà và chế mì gói. Tôi xuống suối lấy nước. Nước suối thật trong và lạnh. Sư em hơi lo ngại vì nước chưa được khử trùng. Tôi liền trấn an sư em vì chính tôi đã uống nhiều lần rồi mà không bị đau bụng. Nước đã sôi, sư em có chuẩn bị một ít rau thơm, chanh và ớt. Hai chị em chúng tôi yên lặng thưởng thức tô mì ngút khói, hương thơm phức. Tuy trời lạnh nhưng tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Tiếng suối róc rách, không khí trong lành và sự yên lặng của núi rừng, không từ ngữ nào có thể diễn tả được hạnh phúc đang tràn ngập trong tôi. Dù chỉ là mì ăn liền nhưng nó ngon hơn cả sơn hào hải vị. Tôi thấy mình giàu có hơn những người giàu có nhất trên thế giới này. Chưa chắc họ đã có được những giây phút tự do và bình yên như hai chị em tôi lúc đó. Chúng tôi tận hưởng ly trà thơm được nấu bằng nước suối rất ngọt và tận hưởng giây phút của tình huynh đệ. Không lâu nữa sư em sẽ rời Bích Nham để sang Mộc Lan rồi, không biết khi nào chị em lại có dịp ở chung một xóm nữa.
Trong một buổi vấn đáp, có một thiền sinh đã hỏi chúng tôi: “Làm sao có thể cân bằng tâm lý khi mình sống chung với những người mình thương nhưng một mai mình phải chia tay với họ?”. Nghĩa là làm sao mình không bị đau khổ khi một mai mình phải chia tay người mình thương. Câu hỏi rất hay. Câu trả lời của tôi là sống hết lòng với người mình đang chung sống. Sống hết lòng không có nghĩa là mê đắm, mà có nghĩa là mình có mặt cho người kia một cách trọn vẹn khi đang sống bên người đó, và nếu có chia tay thì mình không có gì phải tiếc nuối. Tôi đang có mặt cho em trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Chúng tôi không nói đến chuyện tương lai, cũng không nhắc gì về quá khứ. Chúng tôi chỉ tận hưởng giây phút có mặt bên nhau là đủ rồi. Không cần phải nói với nhau những lời hoa mỹ, thương yêu làm gì. Tình thương chân thật là có mặt trọn vẹn cho người mình thương trong giây phút hiện tại. Tôi sẽ không hối tiếc hay nhớ nhung về em khi em không còn ở đây nữa. Mỗi lần nghĩ về em, tôi sẽ nhớ đến một kỷ niệm đẹp và được nuôi dưỡng.
Về nương tựa Tăng thân
Thời đại càng văn minh tiến bộ thì con người càng nhiều khổ đau, trống vắng, cô đơn và xa cách. Hiện nay đa số chúng ta ai cũng có một thiết bị điện tử để dùng như ipad, iphone, v.v. Hàng ngày con người cứ dán mắt vào đó để lên mạng. Sự cô đơn trống vắng đã được khỏa lấp bởi các thiết bị điện tử ấy. Mạng lưới internet giống như là mạng nhện của bảy yêu nữ trong chuyện Tề thiên đại thánh. Nếu mình không đủ chánh niệm, tức thì mình sẽ bị những sợi dây của mạng lưới quấn lấy và siết chặt không buông. Đã có người chết vì dùng mạng ngày đêm. Những người trẻ cũng vì ham chơi game hoặc những thông tin không lành mạnh trên mạng mà thân tâm bị tàn hoại. Bản thân tôi đôi khi cũng bị quyến rũ bởi những sợi dây nhện ấy. Khi vào “search” (tra cứu) rồi, nếu không có chánh niệm, tôi cũng sẽ bị quấn bởi sợi dây nhện yêu tinh ấy. Nhưng tôi cũng ý thức rằng mạng lưới internet là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách sử dụng thì nó cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho sự học hỏi của mình. Thời đại công nghệ thông tin, ở tu viện, chúng tôi không ngăn cấm quý thầy, quý sư cô hoặc các bạn thiền sinh sử dụng mạng. Chúng tôi thiết lập thời khóa và nội quy khi dùng mạng. Bao nhiêu lần trong một tuần và bao nhiêu tiếng trong một ngày. Chúng tôi cũng có một ngày hoàn toàn không sử dụng mạng, cũng như một ngày hoàn toàn không dùng xe. Không chỉ bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ thân và tâm của mình nữa.
Thiền sinh và phụ huynh đã ý thức được điều ấy. Cho nên những khóa tu hàng năm được tổ chức tại Bích Nham, số lượng người tăng thêm. Phòng ăn, chỗ ở bắt đầu không đủ đáp ứng nhu cầu người về tu học. Khi thiền sinh đến tu viện, họ được yêu cầu không dùng những thiết bị điện tử, mà dành thời gian để học thiền ca, học ăn trong im lặng, thiền hành, pháp thoại, pháp đàm. Trẻ em thì được quý thầy, quý sư cô hướng dẫn phương pháp thỉnh chuông, thiền ăn bánh, và các em có không gian chạy chơi tung tăng cùng bạn bè. Sau khi khóa tu chấm dứt, các em hẹn gặp lại nhau sang năm. Những thiền sinh cũ thì nói rằng mỗi khi về lại Bích Nham giống như họ được trở về nhà vậy. Vì nơi đây họ thấy an toàn. Ở tu viện, họ không phải tiếp xúc với những tin tức từ báo chí, truyền thông, truyền hình, internet. Họ có cơ hội được trở về với mình nhiều hơn, vì không còn bị chi phối bởi công việc và công nghệ thông tin. Họ được tiếp xúc với thiên nhiên và với con người nhiều hơn.
Tu viện Bích Nham cách thành phố New York hai giờ lái xe, cho nên những thiền sinh đến tu học thật đa dạng. Điều này không tránh khỏi những câu hỏi như: “Khi vào thiền đường chúng tôi thấy phái nam ngồi một bên, phái nữ ngồi một bên. Vậy những người họ không thấy mình là nam hay nữ thì ngồi chỗ nào?”. Đó là một trong những câu hỏi thường xảy ra trong những buổi vấn đáp. Với trí tuệ của một bậc thầy, Thầy đã dạy chúng tôi nhiều lần về cái thấy tương tức và duyên sinh. Tương tức là “trong cái một có cái tất cả, trong cái tất cả có cái một”. Trong nam có nữ, trong nữ có nam. Khoa học cũng chứng minh điều này. Duyên sinh là: “Cái này có vì cái kia có. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt”. Ngày xưa, thật hiếm khi nghe ai đó nói đến chuyện đồng tính hay chuyển giới tính, hoặc có khi cho là điều xấu hổ khi nhắc đến. Nhưng ngày hôm nay, nó đã trở thành chuyện tự nhiên. Vấn đề đó đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, phải nói đó là tâm thức cộng đồng, và không ai thấy đó là điều lạ hay xấu hổ khi nhắc đến. Chúng tôi ở đây đã tôn trọng quan điểm của họ, sắp cho họ chỗ ngồi giữa hai bên ở hàng cuối. Và không gọi họ theo giới tính nam nữ, mà gọi theo ý muốn của họ là “It” hoặc “They/them” trong tiếng Anh. Bụt dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Nếu chúng ta thực tập được lời Bụt dạy thì không những bản thân mình được hạnh phúc mà gia đình của mình cũng được hạnh phúc và bình an. Là những vị xuất sĩ trong thời đại này, mình cần phải thực tập khế lý và khế cơ thì mới có thể giúp người.
Hiện trạng của xã hội đã làm tôi hiểu nhiều hơn về lời Thầy nói năm nào. Tu viện của chúng tôi không có đầy đủ tiện nghi, nhiều khi thiền sinh phải ngủ dưới đất vì đã hết chỗ. Chúng tôi, những người xuất sĩ không cần phải nấu những món ăn cầu kỳ, không nhất thiết phải cho pháp thoại thật hay, chỉ cần sự có mặt của Tăng đoàn xuất sĩ, có thực tập uy nghi giới luật đầy đủ, cũng đủ giúp cho thiền sinh tìm thấy một nơi để nương tựa, để trở về.
Xoa dịu niềm đau
Sáng nay, trên đường đến phòng ăn, tôi gặp em – một thiền sinh dài hạn tại Bích Nham. Em chào tôi với gương mặt tươi vui. Khi mới đến tu viện, gương mặt em lúc nào cũng rầu rĩ. Em từng chia sẻ với tôi rằng ngày xưa em là một sinh viên du học. Ngày đầu tiên đến nước Mỹ, em được người bạn đồng hương hết lòng giúp đỡ. Nhưng không ngờ người bạn trai đó đã lợi dụng sự ngây thơ và lấy đi sự trong trắng của em, và em đã có thai. Vì hận người bạn và muốn giấu cha mẹ, em đã quyết định phá thai. Em chấm dứt sự liên hệ với người đó, quyết định làm lại cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp, em thành hôn với một người Mỹ, hai vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và em rất muốn có con. Cho đến một hôm khi biết mình có thai, hai vợ chồng em hạnh phúc vô cùng. Nhưng trớ trêu thay, tin vui chưa lâu thì bác sĩ báo cái thai không được bình thường. Đứa bé trai được sinh ra khi chưa đủ tháng, phải sống bằng dưỡng khí, và trải qua nhiều ca mổ. Bác sĩ nói rằng nếu bé sống có thể sẽ bị tật nguyền suốt đời. Hai vợ chồng không muốn con mình lớn lên trong đau khổ, nên họ quyết định rút ống dưỡng khí của bé. Đứa bé tắt thở trong khi nụ cười vẫn nở trên môi. Khi thấy nụ cười trên môi bé, em liền thay đổi ý định, nhưng bác sĩ bảo rằng không còn kịp nữa rồi. Sau đó, em bị trầm cảm nặng nề phải nhờ đến bác sĩ tâm lý trị liệu và nhờ đến thuốc mới có thể ngủ được. Cứ thế hàng năm vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì hai vợ chồng em lại nhớ đến chuyện xưa, nhớ đến nụ cười của bé. Em mang nhiều mặc cảm tội lỗi cho rằng mình đã tự tay giết con mình. Đứa con trong quá khứ và đứa con trong hiện tại. Em chỉ biết lái xe trong vô thức, không biết mình sẽ đi về đâu. Lắng nghe em chia sẻ trong tiếng khóc, trên gương mặt hằn những nét khổ đau. Tôi không ngờ rằng em lại có nhiều đau khổ như thế, nhìn bên ngoài nào ai biết được. Tôi nói: “Em ơi, những gì đã xảy ra trong quá khứ không còn nữa. Đừng để quá khứ giam hãm em trong ngục tù của tuyệt vọng. Em định để cho khổ đau, mặc cảm tội lỗi giày vò em mãi cho đến bao giờ? Em có biết sự khổ đau của em sẽ ảnh hưởng đến ba mẹ em không? Nếu em mặc cảm tội lỗi với những đứa con mà em đã từ bỏ, thì hãy xin lỗi chúng đi. Chúng đang có mặt ở trong em đó. Em hãy tự nói với mình: “Con ơi, vì vô minh mà mẹ đã từ bỏ con. Mẹ xin hứa rằng từ nay về sau mẹ sẽ sống trong chánh niệm. Mẹ hứa sẽ yêu thương những đứa trẻ khác như là thương yêu các con vậy”. Em hãy làm mới với các con của em, ngay cả đứa bé ban đầu mà em đã phá bỏ. Sự sám hối đó sẽ xóa tan mặc cảm tội lỗi trong em. Và chính những đứa bé đó cũng sẽ giải tỏa được nỗi oán hận trong lòng của chúng đối với mẹ. Em đã có Tam bảo che chở và pháp môn để tu tập. Em có thể chấm dứt khổ đau bằng sự tu tập chánh niệm. Tôi chấm dứt bằng một câu rất cứng rắn: “Em không nên đi đâu hết. Hãy ở lại thực tập ba tháng mùa đông! Thời gian này là cơ hội cho em chuyển hóa những vết thương trong lòng. Đừng phụ lòng cha mẹ và thầy tổ”. Chắp tay lại, em nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn.
Trong xã hội hiện nay, đã có nhiều trường hợp xảy ra giống như em. Có người thiếu trách nhiệm do những hành vi mình đã tạo ra, cũng có người vì hoàn cảnh. Tôi không phán xét, cũng không trách móc, mà chỉ thương cảm như thương cô gái trước mặt tôi, đang bị mặc cảm giày vò. Tất cả đều do vô minh mà ra. Không có ai trên đời này muốn tạo khổ đau cho mình hay cho người khác. Tôi viết ra câu chuyện này cũng chỉ muốn nhắc nhở những người trẻ, hãy suy nghĩ cho thật chín chắn, đừng vì một phút đam mê mà sau này phải hối hận suốt đời.
Thầy là núi mà cũng là sông
Bước vào thiền đường, tôi đã thấy một không khí ấm cúng bởi nến và hoa. Những cánh hoa hồng phủ đầy mặt sàn trong vòng tròn, xen lẫn câu “Happiness is here and now” (Hạnh phúc bây giờ và ở đây). Tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên tăng thêm phần thiền vị. Sư em Trăng Thanh Lương là chủ tọa buổi Be-in (Có mặt cho nhau)
cuối cùng của mùa An cư này, với sự giúp đỡ của sư em Trăng Quang Sơn làm trà giả. Vị trí chính của vòng tròn là chỗ ngồi dành cho Thầy. Bắt đầu buổi Be-in, sư em chủ tọa quay sang chỗ ngồi của Thầy và chắp tay thưa bằng giọng Huế. Sư em nói rằng: “Hôm nay Sư Ông sẽ tặng cho mỗi người trong vòng tròn một đóa hoa hồng”. Trên mỗi đóa hoa đều có tấm thiệp với hàng chữ Tay Thầy trong tay con. Tất cả mọi thứ đều tạo nên sự bất ngờ cho mọi người. Sau đó, sư em mời mỗi người chia sẻ một kỷ niệm về Thầy. Tôi thấy vui trong lòng vì cách sư em làm thật dễ thương và ngộ nghĩnh, tạo cho mình cảm giác Thầy đang ngồi đó. Tôi càng thấy thương hơn khi em làm như Thầy đang ở đây thật vậy. Là thế hệ xuất gia những đợt đầu, chúng tôi có cơ hội được gần Thầy nhiều hơn thế hệ của các em sau này. Cho nên các em rất khao khát được nghe kể những câu chuyện về Thầy từ các sư cha, sư mẹ, sư anh và sư chị. Những câu chuyện có thể nuôi dưỡng bồ đề tâm của các em. Nhất là đối với các em mới xuất gia sau này, có em còn chưa từng được gần Thầy dù chỉ một lần. Là sư anh, sư chị, chúng tôi thấy mình có bổn phận phải thay thế Thầy lo cho các sư em. Dù biết rằng để hiểu tâm ý của các sư em không phải dễ dàng.
Thầy không những là một người thầy, mà cũng là một người cha và một người mẹ. Chim mẹ đã già và đã tập cho chim con biết bay. Thầy như chim mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ chúng tôi bao nhiêu năm tháng qua. Bây giờ, chúng tôi là chim con phải tập bay bằng chính đôi cánh của mình. Tôi nhớ Thầy luôn nói: “Đừng phụ lòng Thầy” hoặc “Đừng làm Thầy lỗ vốn nha con”. Thầy đã viết thành thư pháp: “Đừng phụ núi sông”. Thầy là núi mà cũng là sông của chúng tôi. Hoài bão của Thầy là sự tiếp nối của chúng tôi. Là duy trì mạng mạch của chánh pháp. Là huynh đệ cùng nắm tay nhau đem Đạo vào Đời.
“Thầy thương kính của chúng con, làm sao chúng con phụ lòng Thầy được!”