Tăng thân Làng Mai quốc tế hiện đang sát cánh bên người Thầy thương kính – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới, nhà hoạt động vì hòa bình và cũng là một nhà thơ, trong chuyến trở về quê hương lần này của Thầy. Sau buổi kỷ niệm Ngày Tiếp nối lần thứ 92 vào tháng trước, Thầy đã bày tỏ ước nguyện sâu sắc mong được trở lại ngôi chùa gốc rễ tâm linh của mình là Tổ đình Từ Hiếu ở Việt Nam để sống những ngày còn lại trong đời. Thầy vẫn đang tiếp tục sống từng phút giây trong thảnh thơi và an lạc, với sự có mặt đích thực và đầy ý nghĩa, biến những khó khăn thử thách về sức khỏe sau cơn đột quỵ bốn năm trước thành một bài pháp không lời.
Chùa Từ Hiếu là nơi Thầy xuất gia vào năm 1942, lúc mười sáu tuổi. Sau gần sáu mươi năm giảng dạy và truyền trao giáo lý ở nhiều nước trên thế giới, sự trở về ngôi chùa tâm linh gốc rễ của Thầy mang lại niềm bình an và hạnh phúc lớn cho các học trò, cho chùa Từ Hiếu và cho các thế hệ tiếp nối. Lần trở về này của Thầy có ý nghĩa vô cùng quý báu, nó giúp cho những người học trò trong tăng thân quốc tế rộng lớn của Thầy có thể duy trì sự kết nối sâu sắc, không gián đoạn với gốc rễ tâm linh của mình ở Việt Nam. Khởi xướng phong trào Đạo Bụt dấn thân, Thầy đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm mới đạo Bụt với mong muốn giúp cho từng cá nhân cũng như toàn xã hội giải quyết những khó khăn, thử thách trong thời đại chúng ta. Những giáo lý mà Thầy trao truyền luôn bắt nguồn từ gốc rễ tâm linh mang tinh thần nhập thế của các vị Tổ Sư đã làm rạng rỡ cho đạo Bụt Việt Nam từ thời Lý, Trần.
Mặc dù chưa phục hồi khả năng nói kể từ khi bị đột quỵ, Thầy vẫn luôn hiện diện tỉnh táo và mạnh mẽ. Sau khi triệu tập các đệ tử lớn của mình và tổ chức buổi họp vào ngày 24 tháng 10 tại Làng Mai Thái Lan, nơi Thầy cư trú từ tháng 12 năm 2016, Thầy truyền đạt rõ ràng mong muốn được trở về Việt Nam bằng cử chỉ gật đầu hay lắc đầu khi trả lời các câu hỏi. Những chuẩn bị cần thiết cho chuyến đi đã được tiến hành ngay sau đó, và Thầy đã có mặt tại sân bay Đà Nẵng vào chiều ngày 26 tháng 10 trong sự chào đón của quý Hoà thượng, chư vị Tôn túc Tăng Ni và quý thân hữu Phật tử cư sĩ.
Sau hai ngày nghỉ ngơi tại Đà Nẵng để hồi phục sức khỏe, Thầy về đến Tổ đình Từ Hiếu vào chiều ngày 28 tháng 10, và được chào đón bằng một nghi lễ Phật giáo truyền thống trong tiếng chuông trống Bát nhã trầm hùng. Khi vào cổng Tam quan, Thầy dừng lại một lát và đưa tay chạm vào bức tường đá cổ như một dấu ấn Đã về đã tới. Mọi người đều giữ yên lặng khi Thầy ngắm nhìn hồ bán nguyệt, nơi Thầy có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi còn là một sư chú. Sau đó Thầy vào chánh điện, niệm hương cúng dường Bụt và liệt vị Tổ sư.
Từ khi về đến Tổ đình, sức khỏe của Thầy vẫn còn yếu nhưng định tĩnh. Thầy đã cùng Tăng thân thiền hành vào lúc bình minh, thăm mọi nơi trong ngôi chùa vốn là nhà của Thầy và là nơi Thầy được nuôi dưỡng khi mới bắt đầu con đường tu tập. Trước đó, vào tối ngày 26 tháng 10 tại Đà Nẵng, với tư cách trụ trì và là niên trưởng dòng truyền thừa chùa Từ Hiếu, Thầy đã hướng dẫn các đệ tử soạn một lá thư mời tất cả Tăng Ni dòng Từ Hiếu (đệ tử và hậu duệ của Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, vị Bổn sư của Thầy) tham dự buổi họp mặt gia đình đầm ấm trong tình huynh đệ tại chùa Từ Hiếu vào thứ Bảy, ngày 3 tháng 11. Như Thầy đã nói trong chuyến về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005, sau bốn mươi năm xa xứ: “Không có tôn giáo nào, học thuyết nào, chủ nghĩa nào cao hơn tình huynh đệ.”
Ngay lúc này đây, qua từng hơi thở và hành động của mình, Thầy vẫn kiên định và tràn đầy năng lượng trong việc xây dựng tăng thân, thúc đẩy quá trình trị liệu, hòa giải và chuyển hóa trong cộng đồng, xã hội và trên thế giới.